Khan hiếm gỗ nguyên liệu

Đơn hàng tăng nhưng vẫn lo!

Đơn hàng xuất khẩu tăng trong những tháng gần đây nhưng ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Gỗ nội thất Minh Phát II, không khỏi lo lắng khi nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định. Nguồn gỗ nguyên liệu mà công ty Minh Phát II sử dụng chủ yếu là gỗ cao su ở trong nước. Suốt mấy tháng nay, giá gỗ tăng liên tục, tới nay đã tăng khoảng 40% so với hồi đầu năm.

Để có nguyên liệu ổn định sản xuất, ông Hiệp đã phải họp mặt các nhà cung ứng gỗ nguyên liệu, ứng tiền trước cho họ để họ mua cánh rừng nào đó khai thác dần. Số tiền bỏ ra khá lớn nhưng xem chừng chưa đủ để ổn định nguồn cung nguyên liệu cho Minh Phát II trong vòng 1-2 năm tới. Ông Hiệp cho biết: “Vì phải ứng trước tiền mua nguyên liệu và giá ngày một tăng nên lợi nhuận giảm mạnh”.

Ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt chuyên sản xuất ván nhân tạo, veneer, cho biết do thiếu nguyên liệu đầu vào và giá liên tục tăng nên nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ chỉ hoạt động với 40-50% công suất thiết kế. “Nếu tình hình không thay đổi, sắp tới chắc sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản”, ông Việt nói.

Và theo ông Việt, hiện nay vẫn chưa phải là thời điểm thách thức nhất của ngành chế biến gỗ. Dự đoán giai đoạn 2020-2025 mới là thời kỳ thấp điểm thanh lý gỗ cao su của các doanh nghiệp trồng cao su, nguồn cung lúc đó có thể sẽ giảm còn một nửa so với hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến trong nước còn bị áp lực cạnh tranh bởi các doanh nghiệp Trung Quốc nên dự báo nguồn nguyên liệu gỗ sẽ rất khan hiếm.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, cho biết sự quan tâm của thị trường đối với sản phẩm làm từ gỗ cao su ngày càng tăng kéo theo nhu cầu thu mua loại gỗ này trong những năm gần đây là rất lớn. Trong khi đó, Trung Quốc đã đóng cửa rừng trên toàn quốc kể từ đầu năm 2017 khiến nước này thiếu hụt khoảng 50 triệu mét khối gỗ mỗi năm và phải bù bằng lượng gỗ nhập khẩu. Trước kia, Malaysia cung cấp một lượng lớn gỗ cao su cho thị trường Trung Quốc nhưng cũng từ đầu năm 2017, Malaysia cấm xuất khẩu gỗ này. Do đó, Việt Nam là một trong những thị trường mà thương nhân Trung Quốc đổ sang tìm mua nguyên liệu khiến giá gỗ cao su tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo số liệu mới nhất của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong chín tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,51 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2017, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Mỹ (18,8%), Canada (15,8%), Đức (12,1%), Trung Quốc (11%) và Hàn Quốc (10,2%).

Bài toán khó!

Không chỉ gỗ cao su, về dài hạn, nguồn gỗ nguyên liệu nói chung sẽ khan hiếm. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), tháng 11-2016, Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT. Sau khi hiệp định này có hiệu lực, tất cả các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU đều phải có nguồn gốc hợp pháp.

Việc này phải được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc đã cấm khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu, thương nhân nước họ sẽ tràn ra thế giới thu mua nguyên liệu, bao gồm thu mua ở Việt Nam. Lào và Campuchia - các nước cung cấp gỗ chính cho Việt Nam, cũng đã có chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng. “Nguyên liệu gỗ sẽ là bài toán khó cho ngành khi phải tìm nguồn cung đáp ứng tốc độ tăng trưởng 10-15% và phải đảm bảo gỗ có nguồn gốc hợp pháp”, ông Quyền nói.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong số lượng gỗ xẻ bán cho nước ngoài, sản lượng gỗ cao su xuất khẩu chủ yếu là sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc thấp nhất nhưng khối lượng lại cao nhất. Hiện tại, thị trường Mỹ mua bàn ghế làm từ gỗ cao su, Hàn Quốc mua gỗ cao su ở dạng ghép thanh, Nhật Bản mua chi tiết sản phẩm đã bào cạnh, đánh láng bốn mặt. Bình quân giá xuất khẩu sản phẩm gỗ cao su cho hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc từ 780-1.000 đô la Mỹ/mét khối, trong khi giá bán gỗ xẻ bình quân cho Trung Quốc chỉ khoảng trên 200 đô la Mỹ/mét khối. Hiệp hội này cho rằng việc xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ thô từ rừng trồng cho thị trường Trung Quốc đã lấy đi công ăn việc làm và làm mất đi lượng lớn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong nước mà lại không bán được sản phẩm có giá trị gia tăng cao như bán sang các thị trường khác.

Còn theo Vifores, hiệp hội này đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét việc cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ hộp, gỗ xẻ thô như nhiều quốc gia trong khu vực đã làm.

Bên cạnh đó, Vifores cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét nâng thuế xuất khẩu đối với các loại gỗ nguyên liệu là gỗ xẻ và gỗ tròn từ mức thuế 5-20% hiện nay lên mức cao nhất trong khung thuế là 25%. Ông Quyền cho biết về cơ bản, Bộ Tài chính đã đồng ý với kiến nghị này nhưng còn chờ quyết định của Chính phủ. Việc này nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng nguồn nguyên liệu khuyến khích chế biến tinh ở trong nước.

Cũng theo Vifores, về dài hạn, để có nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tham gia trồng rừng được vay vốn dài hạn để duy trì rừng trồng trên 10 năm tuổi nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; khuyến khích đầu tư các nhà máy sản xuất ván nhân tạo tại các trung tâm rừng trồng và tận dụng nguồn phế liệu làm ván nhân tạo, viên nén; dăm gỗ còn lại sau khi cung cấp cho các nhà máy sản xuất tại chỗ thì sẽ cho xuất khẩu.

Riêng về đề xuất cấm xuất khẩu gỗ, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng phát triển thị trường sản phẩm trồng trọt, Bộ NN&PTNT, nói với tư cách cá nhân, rằng nếu Việt Nam cấm xuất mặt hàng này thì các nước cũng có thể “trả đũa” bằng cách cấm xuất các mặt hàng khác sang Việt Nam. Ông cho biết trước đây phía cơ quan quản lý cũng nhiều lần tính tới biện pháp tạm dừng xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ gỗ rừng trồng nhưng cho tới nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào từ Bộ Công Thương về cấm xuất khẩu. 


CÁC TIN TỨC KHÁC

Thông tin đang cập nhật !

Trang :